Book Now - +84 932219268

Để người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ Viễn thông, Internet

Ngày đăng: 2017-04-01 02:22:02.0

Đúng 9h sáng 9/1, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Nam Thắng đã bắt đầu trả lời trực tuyến với người dân về cơ chế, chính sách phát triển Viễn thông - Internet và quản lý nhà nước về Truyền dẫn phát sóng và Tần số vô tuyến điện trên Báo điện tử VietNamNet.



Việc Bộ TT-TT mở cửa thị trường viễn thông, thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực, giúp mặt bằng giá cước viễn thông, cụ thể là cước di động và Internet ADSL có những bước giảm rõ rệt, tạo điều kiện cho nhiều người dân tiếp cận được với các dịch vụ viễn thông hơn. 

Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ viễn thông cũng đang có những dấu hiệu suy giảm theo giá cước. Sau các đợt khuyến mãi rầm rộ để thu hút thuê bao mới, chất lượng cuộc gọi và tin nhắn của các mạng di động trong nước đã phần nào suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người sử dụng dịch vụ. 

Vậy vai trò của Bộ TT-TT giữa thúc đẩy cạnh tranh, giảm cước giữa các doanh nghiệp và thanh tra, đo kiểm, đảm bảo chất lượng dịch vụ cần phải điều tiết như thế nào? Làm sao để người dân được sử dụng dịch vụ viễn thông ngày càng tốt hơn, giá rẻ hơn? 

Với dự thảo Nghị định của Bộ TT-TT trình Chính phủ thay thế Nghị định 55/2001/NĐ-CP về quản lý dịch vụ Internet, mở rộng đối tượng được cung cấp dịch vụ sang cả các doanh nghiệp tư nhân, liệu chất lượng dịch vụ Internet có được cải thiện hơn, với giá cước rẻ hơn để người dân vùng sâu vùng xa cũng đủ điều kiện lắp đường truyền ADSL tại hộ gia đình? 

Các chính sách phát triển Internet, cấp giấy phép di động 3G, đưa Internet về nông thôn, trường học sẽ được Bộ TT-TT đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới như thế nào? Các vấn đề về quản lý tên miền Internet cần giải quyết trong thời gian tới ra sao? 

Các nội dung về quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020, cải cách trong công tác cấp phép băng tần, tần số vô tuyến điện, quy hoạch dải tần di động và băng rộng, cũng như Luật Tần số vô tuyến sẽ được Bộ TT-TT đề cập, giải đáp cụ thể trong nội dung cuộc đối thoại trực tuyến. 

Sau đây là toàn văn nội dung cuộc đối thoại trực tuyến giữa Thứ trưởng Thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng với quý độc giả: 

Độc giả Huyền Chi

Địa chỉ: Định Công, Hà Nội

Nội dung: Chất lượng dịch vụ viễn thông, Internet: Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ TT-TT sẽ có những biện pháp cụ thể gì nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông và Internet của các nhà cung cấp Việt Nam hiện nay? 

Thứ trưởng thường trực Bộ TT- TT Lê Nam Thắng: Trong những năm qua, các DN viễn thông trong nước đã quan tâm nhiều đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ như giảm cước, tăng đầu tư vào hạ tầng,.. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, vấn đề về chất lượng dịch vụ Internet và dịch vụ di động đôi khi vẫn còn gây nhiều bất cập với người sử dụng. 

Để khắc phục vấn đề này, Bộ TT-TT đã đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản, với yêu cầu sẽ triển khai thực hiện ngay trong năm 2008 này: 

1. Nhóm giải pháp thị trường: Bộ sẽ thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho người sử dụng có thể lựa chọn các dịch vụ tốt, bằng cách cho phép các DN mới, các DN có năng lực tham gia vào thị trường. Ví dụ, trước đây, đối với việc cung cấp dịch vụ truy nhập quốc tế, chỉ có các DN nhà nước mới được phép cung cấp, nhưng hiện nay, trong nghị định mới trình chính phủ về Quản lý và sử dụng Internet, thay thế nghị định 55 cũ, Bộ TT-TT đã đề nghị chính phủ cấp phép cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. 

2. Nhóm giải pháp đổi mới DN: Bộ chỉ đạo các DN thực hiện lộ trình cổ phần hoá, nâng cao phương pháp quản lý, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. 

3. Nhóm giải pháp về tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật mạng lưới: 

Nếu muốn có chất lượng dịch vụ tốt, mạng lưới của các nhà cung cấp phải có năng lực tốt, đáp ứng nhu cầu chuyển tải lưu lượng. Vì vậy, bộ đã chỉ đạo các DN và tạo các điều kiện cần thiết để các cho các DN phát triển điều này. Bộ đã chỉ đạo các DN phải cấp thiết xây dựng hạ tầng mạng cáp quang biển, hệ thống các trạm BTS...Hiện tại, đã có 5 DN mới cùng cung cấp cáp quang biển. Trước đây, mỗi mạng di động chỉ có thể phát triển vài trăm trạm BTS mỗi năm, nhưng hiện nay, do Bộ đã tạo điều kiện và các DN cũng đẩy mạnh đầu tư, nên mỗi năm các DN đã có thêm từ 3000 - 5000 trạm BTS mỗi mạng lưới, và như vậy góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ di động. 

4. Nhóm giải pháp về kỹ thuật nghiệp vụ, các cơ chế chính sách liên quan đến kỹ thuật nghiệp vụ: Trước đây các DN cung cấp dịch vụ truy nhập Internet phải kết nối 2 cấp, phải kết nối vào các DN cung cấp dịch vụ IXP, rồi mới kết nối ra quốc tế. Nhưng hiện nay, Bộ đã cho phép các DN cung cấp dịch vụ trực tiếp thuê kênh để kết nối với quốc tế. Tất cả điều này sẽ giúp các DN giảm chi phí, và nâng cao chất lượng dịch vụ. 

Để bảo đảm cho các sự cố không xảy ra như đứt cáp biển, Bộ cũng đã trình Chính phủ việc các DN nên kết nối các trung tâm truyền dẫn quốc tế với nhau, để DN này có thể sử dụng hạ tầng của DN khác khi gặp sự cố, bảo đảm việc chia sẻ hạ tầng, điều phối, giảm tải lưu lượng. Khi có sự cố xảy ra, DN này có thể sử dụng hạ tầng của DN khác để khắc phục. 

5. Nhóm giải pháp về hành chính: Thanh tra Bộ, các cục phải tăng cường công tác quản lý đăng ký chất lượng dịch vụ, tiến hành thanh tra xử phạt trong quá trình kinh doanh dịch vụ. Đặc biệt năm 2008, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo 2 nội dung mới nữa: đó là công khai chất lượng đo kiểm cũng như xử phạt vi phạm hành chính đối với DN, để từ đó góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến về mặt hành động đối với các nhà cung cấp dịch vụ. Bộ cũng yêu cầu các DN, từ nay phải tăng cường việc tự giám sát chất lượng dịch vụ của mình trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ. Bằng các hệ thống thiết bị kỹ thuật, tổng đài của DN, DN phải tự giám sát chất lượng dịch vụ của mình, chứ không thể chỉ đối phó với việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước. 

Hy vọng với viện triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như trên, thì chất lượng dịch vụ viễn thông, Internet sẽ ngày càng được cải thiện tốt hơn.