Book Now - +84 932219268

Những cử nhân, thạc sĩ tự rao mình tìm việc

Ngày đăng: 2017-03-14 03:32:47.0

Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang vô cùng khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, có lẽ hình thức xin việc truyền thống đã khiến nhiều ứng viên nản lòng.



Đã có rất nhiều cử nhân, thạc sĩ chọn cách rao bán sức lao động ở những nơi công cộng, nhằm gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng sau một thời gian dài đằng đẵng chờ đợi.

 

Com-lê, cà-vạt tìm việc ngoài đường

David Rowe đang đi dọc đường Fleet Street, London để thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng

Trong trang phục com-lê, thắt cà-vạt, đi giày bóng loáng, David Rowe xuống đường như bao nhân viên công sở khác ở London, nhưng tấm biển “Tìm việc” anh đeo trên người đã khiến anh trở nên khác biệt. 

David tốt nghiệp ngành Lịch sử, ĐH Kent. Để giải quyết số nợ 20.000 bảng thời sinh viên, tân cử nhân này đã quyết định đeo bảng, xuống đường quảng cáo cho chính mình. Nội dung tấm bảng ghi rõ “sẵn sàng làm không lương tháng đầu tiên, sau đó có thể thuê hoặc sa thải”.

“20 bước chân đầu tiên là khó khăn nhất vì bạn thấy mình rất dễ gây chú ý, nhưng chỉ cần mạnh mẽ lên để quen với điều đó” – David chia sẻ.

Sự dũng cảm của anh đã mang lại kết quả không ngờ khi chỉ vài giờ sau đó một nhà tuyển dụng đã quyết định phỏng vấn anh. “Tôi thích cách suy nghĩ sáng tạo của anh ta. Ý tưởng đó rất ấn tượng. Tôi thậm chí còn ấn tượng hơn sau cuộc phỏng vấn. Rowe đúng là người có khả năng và tôi đã mời cậu ấy làm việc cùng mình” – nhà tuyển dụng Gavin Walker nói.

Cựu CEO cũng rao mình

Paul Nawrocki – một cựu giám đốc điều hành mất 2 năm để tìm việc mới bằng cách rao mình ngoài đường

Paul Nawrocki cũng là một trường hợp tương tự, nhưng ông không gặp may mắn như chàng sinh viên mới tốt nghiệp David Rowe. Phải tới 2 năm sau khi tự quảng cáo mình ngoài đường Paul mới nhận được một công việc mới.

Người đàn ông 59 tuổi này nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông Mỹ do ông từng là một giám đốc điều hành và có gia cảnh tương đối khó khăn. Ông thất nghiệp trong hoàn cảnh vợ bị bệnh, con gái đang học đại học. 

Nawrocki từng xuất hiện trên CNN và bị cánh phóng viên ảnh bám sát như hình với bóng. Chỉ trong vài tuần, ông đã trả lời hơn 100 cuộc phỏng vấn cả trong trường quay và trên đường phố. Đến mức ông từng nghĩ rằng những bức ảnh chụp mình sẽ là biểu tượng cho tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ và chúng luôn đứng cạnh những bài báo viết về cuộc khủng hoảng kinh tế.

“Khi bạn thất nghiệp, bạn phải đối mặt với việc không có bất cứ thứ gì. Tôi muốn nói rằng không có thu nhập thì niềm kiêu hãnh cũng không có ý nghĩa gì. Bạn cần phải tìm việc. Tôi phải chăm sóc gia đình mình” – cựu CEO chia sẻ. 

Từ khi thất nghiệp vào cuối năm 2008, gia đình ông phải nhận phiếu thực phẩm và sự trợ giúp từ người thân. Chỉ đến tháng 3/2010, Nawrocki mới tìm được một công việc mới sau 2 năm lăn lộn với rất nhiều khó khăn.

Thuê biển quảng cáo

Thuê biển quảng cáo để tìm việc là một cách làm thông minh và sáng tạo của chàng trai người Mỹ.

Cũng dùng cách tự quảng cáo bản thân nhưng thông minh hơn, anh chàng Bennett (23 tuổi, Minnesota, Mỹ) đã chi 300 USD thuê bảng quảng cáo ngoài trời để tìm việc. Mẩu quảng cáo dài 8 giây của anh được chạy luân phiên cùng với các mẩu quảng cáo khác trong suốt 24 giờ. 

Ý tưởng ấn tượng này đã mang lại cho anh khá nhiều lời đề nghị. Đặc biệt hơn, anh còn nhận được những lời động viên, chúc mau chóng tìm được việc mới.

Hiện Olson đang làm ở bộ phận marketing của công ty GKS Services ở Bloomington.

15.000 đơn xin việc trong 10 năm

Robin Norton – Thạc sĩ Lịch sử đã nộp 15.000 đơn xin việc trong suốt 10 năm để tìm một công việc toàn thời gian

Có lẽ Robin Norton, tới từ Birmingham, Anh là người giữ kỉ lục gửi nhiều đơn xin việc nhất với 15.000 đơn trong vòng 10 năm. Norton có bằng Thạc sĩ Lịch sử, gửi 25 đơn xin việc mỗi tuần trong 10 năm qua, có những tuần anh gửi tới 50 đơn, song tất cả đều không có kết quả. 

“Tôi hiếm khi nhận được thư hồi âm, thậm chí là một email nói rằng họ đã nhận được thư. Tôi không hề kén chọn, mà chỉ đang đi tìm một công việc toàn thời gian. 

Norton đã từng làm cho Royal Mail trong 7 năm. Sau khi mất việc, anh làm những công việc thời vụ như dọn dẹp, làm việc, xây dựng… nhưng luôn mong tìm được một công việc ổn định toàn thời gian.

“Trước đó mọi thứ đã tồi tệ nhưng còn tệ hơn khi cuộc khủng hoảng ập đến… Các công ty không muốn thuê những người đã ở độ tuổi 40. Khi biết tuổi của tôi, họ không muốn xem gì nữa”.

“Đeo biển tìm việc là nỗ lực cuối cùng của tôi. Tôi đã mất vài tháng để lấy hết can đảm xuống đường làm việc này. Không hề dễ dàng gì nhưng tôi đang tuyệt vọng. Tôi không có sự lựa chọn nào khác” - Norton chia sẻ.

Đạp xe tìm việc

Hình thức tự rao mình ngoài đường đã không còn là độc quyền của những ứng viên phương Tây vốn dĩ đầy sáng tạo và táo bạo khi hồi đầu năm 2012 nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về chàng trai Huỳnh Ngọc Thành – cử nhân ĐH Tài chính Marketing TP.HCM miệt mài đạp xe trên các con phố Sài Gòn với tấm biển tự tiếp thị mình, mong tìm được một công việc phù hợp. 

Nửa năm sau khi ra trường, Thành vẫn chưa tìm được việc mặc dù đã nộp hồ sơ cho nhiều công ty. Thành chia sẻ: “Nói thật, tôi cũng hết cách mới chọn đến hình thức “tiếp thị bản thân” theo kiểu này. Ban đầu, tôi cũng hơi e ngại, mặc cảm lắm. Chiến thắng được sự mặc cảm đó để bắt tay làm quả thật rất khó khăn”. Nhưng với khó khăn trước mắt là kiếm tiền thuê nhà và chi tiêu hàng ngày, chàng trai này đã đi đến một quyết định dũng cảm. 

Thành cho biết, cho dù phải làm một công việc khác chuyên môn thì vẫn chấp nhận.

Sau khi hình ảnh chàng trai đạp xe tìm việc được đăng tải trên nhiều tờ báo, đã có những ý kiến trái chiều về hành động này, nhưng có lẽ chàng trai này không hề hối hận về quyết định táo bạo của mình bởi ngay sau đó anh đã tìm được việc. 


Nguyễn Thảo (Tổng hợp)